Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa đã tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp hội viên nông dân nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay, cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên trong cuộc sống...
Cùng với phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo luôn là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội được các cấp Hội trong toàn tỉnh nói chung, Hội Nông dân xã Hóa Phúc nói riêng quan tâm tổ chức thực hiện. Hàng năm, Hội Nông dân xã tham gia với cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể, các thôn tổ chức bình xét hộ nghèo đảm bảo đúng quy định. Chú trọng ưu tiên cho những hộ nghèo được vay vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ; tích cực hỗ trợ hội viên nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân để có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi đã tạo cơ hội thuận lợi cho hội viên phát triển kinh tế; vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ nghèo, từ đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từng năm.
Đồng thời, Hội Nông dân xã cũng đã vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, lựa chọn những mô hình phù hợp như: nuôi bò, nuôi ong, chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, trồng cây ăn quả, trồng rừng… để phát triển kinh tế. Từ đó, đã giúp hội viên nông dân vươn lên, có thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng cao, có rất nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tiêu biểu là gia đình hội viên Đinh Xuân Liên. Từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng với ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt khó, thoát nghèo, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn của người thân, đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng rừng kinh tế. Đến nay, gia đình anh có tổng diện tích canh tác trên 7 ha, trong đó hơn 3 ha áp dụng mô hình VAC, 4 ha rừng trồng, bình quân mỗi năm thu nhập được trên 200 triệu đồng. Từ hộ nghèo, nay gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá và bền vững.

Ảnh: Mô hình trồng rừng kinh tế tiêu biểu của hội viên Đinh Xuân Liên
Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị ở địa phương và sự nổ lực của cán bộ, hội viên, nông dân làm cho bộ mặt, diện mạo ở nông thôn Hóa Phúc có những khởi sắc so với trước đây. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hộ khá tăng, dự kiến đến cuối năm 2021, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 4% và xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch.
Hải Lý (HND Minh Hóa)