Đang truy cập : 9
•Thành viên online : 9
Hôm nay : 1052
Tháng hiện tại : 11624
Tổng lượt truy cập : 2500797
Theo dự báo thì thời tiết vụ hè – thu năm nay khô hạn, tuy nhiên nhờ sự chuẩn bị chu đáo nguồn nước ngay từ đầu vụ, nên trong suốt thời kỳ sinh trưởng và phát triển, nguồn nước tưới cho cây lúa cơ bản vẫn được bảo đảm. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ thực vật cũng được thực hiện nghiêm túc ở các địa phương.
Thế nhưng, đầu vụ, khi cây lúa đang vào thời kỳ đẻ nhánh, sinh trưởng mạnh, đã có một số loại sâu bệnh xuất hiện như: đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng... Đặc biệt, năm nay nạn chuột phá hại lúa diễn ra khá phức tạp trên các cánh đồng. Mặc dù các địa phương đã tích cực tổ chức ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể ngăn được “giặc chuột” hoành hành, tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. Theo báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vụ hè-thu này có khoảng 395ha lúa bị mất trắng vì chuột. Địa phương bị chuột phá nhiều nhất là huyện Quảng Ninh với 313ha, đặc biệt là xã An Ninh với 140 ha của HTX Hoành Vinh bị mất trắng.
Nông dân huyện Quảng Ninh thu hoạch lúa hè-thu 2013.
Qua đánh giá sơ bộ, vụ hè-thu 2013, tỉnh ta đã có một mùa lúa với năng suất bình quân ước đạt 45,85 tạ/ha, đạt 101,88% so với kế hoạch đề ra nhưng chỉ bằng 99,47% so với cùng kỳ. Một số địa phương đạt cao như Quảng Trạch, Đồng Hới ước đạt 50 tạ/ha; thấp nhất là Minh Hóa 30 tạ/ha đến Lệ Thủy 40 tạ/ha.
Khó khăn với lúa tái sinh
Bên cạnh những thiệt hại của lúa vụ 8, lúa tái sinh năm nay cũng gặp nhiều khó khăn. Với ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn, nên đến ngày 20-7, lúa tái sinh đã thu hoạch xong và cày ải đất cho vụ sau.
Tuy nhiên năng suất lúa tái sinh năm nay giảm mạnh, năng suất chỉ đạt 23,71 tạ/ha, thấp hơn kế hoạch đề ra 4,29 tạ/ha và thấp hơn so với cùng kỳ 5,1 tạ/ha. Nguyên nhân chính khiến năng suất lúa tái sinh năm nay giảm là do vụ đông-xuân 2012-2013 bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy nâu hại lúa phát sinh gây hại nặng nhiều nơi, ở giai đoạn sắp thu hoạch bị giông lốc làm đổ ngã nhiều; sau khi thu hoạch thời tiết nắng to làm khô gốc rạ; những vùng lúa tái sinh ở huyện Quảng Ninh và Bố Trạch nhiều diện tích thu hoạch vụ đông-xuân bằng máy gặt đập liên hoàn, thiếu nước tưới, người dân không đầu tư chăm bón nên năng suất tái sinh thấp. Bên cạnh đó, vào thời gian thu hoạch lúa tái sinh, bà con nông dân gặp phải trời mưa, nhiều lượng lúa không thể phơi khô nên bị mọc mầm...
Chị Thương, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: “Nhà tôi có 2 sào lúa tái sinh, do sâu bệnh hại lúa nhiều, cộng thêm mưa lốc... nên lượng lúa thu được vụ này chỉ vừa đủ chi trả tiền công chăm sóc và thu hoạch, đây cũng là tình trạng chung của đa phần người dân trồng lúa tái sinh năm nay”.
Không những mất mùa, giảm năng suất, thu nhập của người dân, lúa tái sinh còn là vùng gây áp lực rất lớn về chuột, sâu bệnh hại trên những cánh đồng sản xuất lúa hè-thu giáp ranh. Sản xuất lúa tái sinh cũng ảnh hưởng đến việc đưa cơ giới trong việc thu hoạch lúa đông - xuân. Một số dịch vụ đầu vào không phát huy được hiệu quả; không sử dụng hết công suất các công trình thuỷ lợi lớn được đầu tư trong thời gian qua như Thượng Mỹ Trung, hồ An Mã, Rào Đá... nguồn thu phí dịch vụ của các địa phương (HTX) giảm mạnh, ảnh hưởng đến tái sản xuất.
Để giảm diện tích lúa tái sinh trong những vụ tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền vận động người dân chuyển sang gieo cấy lúa hè-thu, giảm diện tích tái sinh trên chân ruộng 2 vụ lúa. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, dễ tiêu thụ như ớt, ngô, đậu đỗ, dưa hấu...
Tác giả bài viết: Lê mai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn